Tam Quy

I.- MỞ ÐỀ

Sống trong cuộc đời muôn mặt, người muốn chọn lấy một lối đi, vạch ra một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa và an lành, thật không phải là việc dễ. Chúng ta là khách lữ hành đang đứng trước ngã tư ngã năm, mà chưa biết cuối cùng các con đường ấy sẽ đưa đến đâu? Chọn lấy một con đường để đi đến suốt đời, phải khôn ngoan sáng suốt lắm mới khỏi hối hận về mai sau. Nhưng mà bắt buộc chúng ta phải chọn lấy, đừng nhờ nhõi, đừng nghe lời xúi giục, vì đây là con đường tự ta đi không ai thế ta được. Chọn kỹ rồi sẽ đi, là thái độ của kẻ khôn ngoan; nhắm mắt đi càn phó mặc đến đâu hay đến đó, là kẻ khờ dại, mang cả cuộc đời làm một trò chơi. Người trí phải nhìn kỹ, phải xem xét tường tận trước khi mình cất bước đi trên một con đường nào. Qui y Tam Bảo quả là đã đặt mình trên một con đường đi đến tận cùng. Ðến tận đầu đường là suốt cuộc đời của chúng ta. Việc làm này cần phải hiểu biết rõ, nhận thức tường tận, mới phát tâm Qui y. Phát nguyện Qui y là chúng ta đã đặt định hướng cho cả cuộc đời. Nếu không hiểu biết gì thì việc Qui y mất hết ý nghĩa của nó.

II.- ÐỊNH NGHĨA

Tam qui nói đủ là Qui y Tam Bảo. Tam Bảo là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Phật là chỉ đức Phật Thích-ca Mâu-ni, do trước kia Ngài tu hành giác ngộ thành Phật. Pháp bảo là giáo pháp do đức Phật nói ra chỉ dạy đường lối tu hành. Tăng Bảo là những vị tu hành theo giới luật và chánh pháp của đức Phật.

Tại sao gọi là Phật bảo?

– Từ một kẻ phàm phu như chúng ta tu hành thành Phật thật là chuyện ít có trên nhân gian này. Thế nên trong kinh thường nói Phật ra đời khó gặp, như hoa Ưu-đàm một ngàn năm mới trổ một lần. Bởi ít có khó gặp nên nói là báu. Hơn nữa, giác ngộ thành Phật tự bản thân Ngài đã thoát khỏi sanh tử luân hồi, đem chỗ giác ngộ ấy dạy lại cho người cùng ra khỏi sanh tử, là điều cao cả nhất trần gian nên gọi là báu.

Thế nào gọi là Pháp bảo?

– Chánh pháp xuất thế hi hữu do đức Phật dạy lại, người nghe rất khó hiểu khó thấu đáo được. Nhưng một khi đã hiểu, ứng dụng tu hành có thể chuyển đời phàm phu trở thành thánh nhân, pháp như vậy còn gì quí báu bằng. Pháp của Phật dạy là chân lý, dù trải thời gian bao lâu chân lý ấy vẫn rạng ngời như hòn ngọc báu. Những kẻ đang lạc lối trong đêm đen, bất thần gặp được ngọn đuốc, vui mừng quí tiếc thế nào, người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Người đang bị chìm đắm ngoài bể cả, trông thấy một con thuyền đến vớt, vui mừng sung sướng quí mến thế nào, người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Cho nên nói “trăm ngàn muôn kiếp khó tìm gặp”.

Thế nào gọi là Tăng bảo?

– Tăng là chỉ cho một nhóm tu sĩ học theo Phật, sống chung nhau đúng tinh thần Lục hòa. Sống đúng tinh thần Lục hòa là việc ít có trên nhân gian này. Bởi vì người thế gian sống đua đòi giành giật hơn thua với nhau, không bao giờ họ sống hòa thuận như thế được. Lục hòa là: thân hòa chung ơ,û miệng hòa không tranh cãi, ý hòa đồng vui, giới luật hòa cùng giữ, hiểu biết hòa cùng giải, lợi hòa chia đồng. Sáu điều này là tinh thần của Tăng. Nếu có người đầu tròn áo vuông mà không sống theo tinh thần Lục hòa cũng không gọi là Tăng. Ở trong tập thể từ bốn người trở lên, hằng hòa thuận chung sống đúng tinh thần Lục hòa, việc này rất khó làm đối với người thế gian. Vì thế, tu sĩ sống khuôn theo tinh thần Lục hòa, thật là một điều quí báu ở trên nhân gian. Vả lại, trên sự tu hành, các vị ấy tự mình đã vơi cạn phiền não, còn dạy bảo kẻ khác dẹp bỏ phiền não. Chính những vị ấy đã được phần nào an ổn thanh tịnh, lại hướng dẫn người đến chỗ an ổn thanh tịnh. Bởi lẽ ấy, gọi các ngài là Tăng bảo.

Thế nào là Qui y?

– Qui là trở về, y là nương tựa. Trở về nương tựa với Phật, Pháp và Tăng gọi là Qui y Tam Bảo. Từ lâu, chúng ta mãi chạy theo dục lạc tạo nghiệp đau khổ, nay hồi tâm thức tỉnh quyết định trở về nương tựa với Tam Bảo. Tam Bảo là chỗ cứu kính để cho đời chúng ta nương tựa, không còn tạo nghiệp đau khổ, mà thường đem sự an lạc lại cho chúng ta. Ðây là sự hồi tâm tỉnh giác phát nguyện trở về của chúng ta. Sự tỉnh giác này là nền tảng của lâu đài trí tuệ, nó là bước đầu trên con đường về quê hương giác ngộ. Ðặt nền tảng này vững chắc thì lâu đài trí tuệ mới được lâu dài. Ðó là sự hệ trọng của tinh thần Qui y.

III.- QUI Y TAM BẢO BÊN NGOÀI

Phật Pháp Tăng là đối tượng để chúng ta Qui y. Nguyện noi theo con đường đức Phật đã đi là Qui y Phật. Quyết thực hành những lời chỉ dạy của Ngài còn ghi trong kinh điển là Qui y Pháp. Thuận theo sự hướng dẫn tu hành của chúng Tăng là Qui y Tăng. Từ đây bước đi, cuộc sống của chúng ta lấy Tam Bảo làm mẫu mực, nhắm thẳng theo đó mà tiến tới, khỏi phải nghi ngờ dò dẫm như thuở nào. Chúng ta là hoa tiêu, Tam Bảo là ngọn hải đăng. Cứ nhắm theo hải đăng mà lái con thuyền thân mạng của chúng ta cho đến đích. Song Phật pháp, người Phật tử quyết định tin theo không còn chút do dự, còn Tăng thì phải cẩn thận để khỏi nhận lầm. Tăng là tập đoàn Tăng lữ sống đúng tinh thần Lục hòa, không phải tính cách cá nhân. Nếu một vị sư đứng ra làm lễ Qui y cho Phật tử, chính vị ấy đại diện cho tập đoàn. Qui y Tăng là qui y với những vị sư sống đúng tinh thần Lục hòa, không phải cuộc hạn riêng vị sư truyền tam qui ngũ giới cho mình. Nếu vị đại diện truyền qui giới ấy có tu được hay không tu được, người thọ pháp qui giới vẫn đã Qui y Tăng rồi. Khi qui y một vị Tăng tức là đã qui y tất cả chư Tăng, nếu vị nào sống đúng tinh thần hòa hợp. Phật tử có quyền học hỏi tất cả Tăng chúng, không nên hạn hẹp nơi ông thầy của mình. Ðược vậy mới đúng tinh thần Qui y Tam Bảo bên ngoài.

IV.- QUI Y TAM BẢO TỰ TÂM

Phật pháp bao giờ cũng phải đủ hai mặt, Tam Bảo bên ngoài là đối tượng, Tam Bảo tự tâm là bản chất. Nương Tam Bảo bên ngoài, chúng ta phát triển Tam Bảo của tự tâm. Trong ngoài hỗ tương để viên mãn công phu tu hành, là mục tiêu chánh yếu của đạo Phật.

Thế nào là Tam Bảo tự tâm?

Tánh giác sẵn có nơi chúng ta là Phật bảo. Lòng từ bi thương xót cứu giúp chúng sanh là Pháp bảo. Tâm hòa hợp thảo thuận với mọi người là Tăng bảo. Nhờ Phật bảo bên ngoài, chúng ta đánh thức tánh giác của mình, trở về nương tựa tánh giác của mình là Qui y Phật. Nhờ Pháp bảo bên ngoài, chúng ta phát khởi lòng từ bi, tu hành theo pháp của Phật, trở về nương tựa lòng từ bi của mình là Qui y Pháp. Nhờ Tăng bảo bên ngoài, chúng ta phát khởi tâm hòa hợp, sống đúng tinh thần Lục hòa, trở về nương tựa với tâm hòa hợp của mình là Qui y Tăng. Như vậy, Tam Bảo bên ngoài giúp phát triển Tam Bảo tự tâm, Tam Bảo tự tâm có phát triển thì Tam Bảo bên ngoài mới có giá trị. Bên trong bên ngoài hổ tương phát triển mới thật là Qui y Tam Bảo.

1. Qui y Phật

– Từ thuở nào đến giờ, chúng ta quen nương tựa với thân mạng vô thường tạm bợ này cho nó là mình, là của mình, nếu ai động đến nó thì chúng ta đau khổ tột cùng. Hơn thế nữa, hằng ngày chúng ta luôn luôn nghĩ tưởng việc lợi ích cho nó, tạo không biết bao nhiêu tội lỗi, chịu không biết bao nhiêu đau khổ cũng vì nó. Chỉ cho nó là quí, bảo vệ nó bằng mọi giá. Ðến khi thức tỉnh mới thấy rằng: thân này là vô thường, là bại hoại, có thân là có khổ. Thế mà lâu nay ta bảo vệ quí trọng để chuốc lấy khổ đau. Nay chúng ta biết rằng: tất cả chúng sanh đều có tánh giác, giác là giác ngộ, giác ngộ là thành Phật. Phật là giác. Biết rằng tánh giác là Phật của mình, thân tứ đại này tạm bợ bại hoại không thật của mình. Từ đó, chúng ta quyết định trở về nương tựa với tánh giác của mình, gọi là Qui y Phật. Phát nguyện rằng: “Con xin trọn đời qui y với Phật bảo”. Ðó là đặt mình trọn niềm tin nơi tánh giác của mình, tức là tự hứa sẽ làm Phật. Ðó là qui y Phật tự tâm.

2. Qui y Pháp

– Pháp là chơn lý, là lẽ thật, là đạo lý. Trái lại với pháp là phi pháp. Phi pháp là sai lầm, tội lỗi, điên đảo. Phi pháp đem lại khổ đau, pháp đem lại an vui. Chúng ta từ vô thỉ đến nay, vì mê muội tạo không biết bao nhiêu điều tội lỗi sai lầm, chịu không biết bao nhiêu sự đau khổ, tất cả là vì phi pháp. Nay gặp được chánh pháp của Phật dạy, là chân lý là lẽ thật, chúng ta tự tỉnh thức, nhận định đâu là phi pháp, đâu là chánh pháp. Từ đây, chúng ta tự phát nguyện: “Con xin trọn đời qui y với Pháp bảo”. Ðó là phát nguyện từ đây về sau trọn đời không theo tà pháp, quyết định theo chánh pháp. Ðó là Qui y Pháp tự tâm.

3. Qui y Tăng

– Tăng là hòa hợp. Người thế gian sống với nhau thường tranh hơn tranh thua. Chùa tháp, hội chúng Phật không thể sống chia rẽ, phải hòa hợp nhau mới xứng đáng là Tăng. Tinh thần Lục hòa là cốt tủy của chúng Tăng. Hòa là nhu thuận, thuận với mọi người. Người Phật tử phát nguyện Qui y Tăng, tức là nguyện nương theo tinh thần hòa hợp của chúng Tăng, làm sao phát triển tâm hòa hợp của mình, làm sao bỏ được tâm cống cao ngã mạn của mình. Tăng là đại diện chúng hòa hợp, không phải riêng cá nhân nào. Nếu một cá nhân nào xưng là Tăng mà không hòa hợp, thì không đủ nghĩa là Tăng. Vì thế, Qui y Tăng là phát nguyện bỏ cái ngã vị kỷ của mình để hòa hợp với mọi người, là Qui y Tăng tự tâm.

Người Phật tử chơn chánh, đủ lòng tin tưởng, hiểu rõ lý Qui y, quyết định Qui y Tam Bảo tự tâm, mới thật là Qui y. Nếu Qui y chỉ giữ lấy hình thức bề ngoài, đó là Qui y hữu danh vô thực. Qui y hữu danh vô thực thì không đủ nghĩa cứu kính, không đưa đến kết quả lợi ích an lạc. Vì thế, người học Phật phải hiểu nghĩa Qui y thật đầy đủ mới làm lễ Qui y.

V.- KẾT LUẬN

Qui y Tam Bảo là bước đầu vào đạo, là đặt mình vào khuôn khổ tu hành của người Phật tử. Nhưng làm lễ Qui y rồi, có phải hoàn toàn là người Phật tử chưa? Có thể chưa. Tại sao? Bởi vì Phật là giác, mà người Qui y vẫn mê, chưa tỉnh giác. Pháp là chánh, mà người Qui y chưa thực hành chánh pháp, còn lẫn lộn với tà pháp. Tăng là hòa hợp, mà người Qui y chưa hòa hợp, còn tranh cãi hơn thua với mọi người. Như vậy, lễ Qui y chỉ là sự phát nguyện bắt đầu tu hành, chưa hẳn là người Phật tử hoàn toàn. Nếu khi nào, tánh giác của mình được sáng tỏ, việc làm của mình thuần chánh pháp, tâm tư của mình hết hơn thua là lúc ấy mới thật là người Phật tử hoàn toàn. Chúng ta phải biết, Qui y là điểm khởi đầu, còn cả con đường dài trước mắt. Người tín đồ Phật giáo phải thấy rõ như vậy, để cố gắng tiến tu cho đến ngày viên mãn.